Tầm nhìn

Vietfracht Hưng Yên hướng đến mục tiêu trở thành một doanh nghiệp Việt Nam ưu tú, hoạt động chuyên nghiệp, phát triển bền vững và hiệu quả,...
Đọc thêm

Sứ mệnh

Sứ mệnh của Vietfracht Hưng Yên là cung cấp các dịch vụ tốt nhất nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng và đối tác...
Đọc thêm

Giá trị cốt lõi

TÍN: Vietfracht Hưng Yên luôn chuẩn bị đầy đủ về các năng lực thực thi và nỗ lực hết mình để đảm bảo thực hiện đúng các cam kết...
Đọc thêm

Tin tức

Ngày 15/11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương cùng với Bộ Giao thông Vận tải và Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Logisics Việt Nam (VLF) lần thứ nhất với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh từ liên kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics”.

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, Giáo sư Đào Nguyên Cát cùng đông đảo đại diện các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, các hiệp hội doanh nghiệp logistics, chủ tàu, chủ hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của xuất nhập khẩu trong những năm qua đã khiến logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng của hoạt động thương mại quốc tế và thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian qua, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được nhiều tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics ở nước ta còn thiếu chuyên nghiệp, làm thuê cho công ty nước ngoài ngay trên sân nhà.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra những vấn đề cần quan tâm để có thể phát triển ngành logistics trong tình hình hiện nay như cơ sở hạ tầng, khung thể chế pháp lý, người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, cũng như những vấn đề mang tính xu hướng phát triển của ngành hiện nay như áp dụng công nghệ thông tin, hội nhập kinh tế quốc tế hay chuyển đổi cơ cấu xuất nhập khẩu làm thay đổi tập quán mua CIF bán FOB của các doanh nghiệp.

Tham gia Diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu đã nêu ra những thực trạng của ngành logistics hiện nay, những bất cập trong cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển của ngành cũng khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp đang gặp phải và đề xuất những giải pháp tháo gỡ.

Theo các chuyên gia, quy mô doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ logistics còn nhỏ, manh mún. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần còn lại đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này là sự thua thiệt lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông Việt Nam đang rất yếu kém, doanh nghiệp logistics trong nước yếu về tài chính, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả, v.v...

Bên cạnh đó là sự chậm trễ các thủ tục hành chính, có sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý cũng như văn bản pháp luật ảnh hưởng tới sự hiệu quả của hoạt động logistics. Biểu hiện cụ thể là chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam chiếm tới 25% GDP cả nước, dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực trong nước, trong khi tỷ lệ này ở các nước đang phát triển khác là khoảng 15% - 20%, ở các nước phát triển là khoảng 10% - 13%.

Thảo luận tại Diễn đàn, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam dự kiến năm 2015 là 395 - 408 triệu tấn và đạt 634 - 678 triệu tấn vào năm 2020. Tiềm năng và xu thế phát triển logistics của Việt Nam sẽ tập trung ở 4 vùng kinh tế trọng điểm, 15 khu kinh tế ven biển, 289 khu công nghiệp và 3 hành lang kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mekong. Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu, dịch vụ logistics có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển hạ tầng gia thông vận tải, cảng biển, các phương thức vận tải. Do vậy cần phát triển dịch vụ logistics tại các nhóm cảng biển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế và các cảng có lợi thế phát triển trung chuyển.

Cũng tại Diễn đàn, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã nêu ra những cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp ngành logistics cũng như đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi Việt Nam đang tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, Việt Nam đang tiếp tục tiến hành đàm phán một số hiệp định thương mại tự do khác với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Liên bang Nga, v.v... Điều này đã thực sự mở ra những cơ hội to lớn cho thương mại phát triển trong thời gian tới nhưng cũng tạo những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp cần thiết phải nắm bắt tình hình để tận dụng những cơ hội và giảm thiểu những thách thức do hội nhập mang lại.

Đúng như mục đích ban đầu đặt ra, Diễn đàn đã thực sự trở thành một kênh đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước nhằm phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc đối với các bên và nêu ra những hướng giải quyết. Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, những khó khăn, vướng mắc hiện doanh nghiệp đang gặp phải và đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có những biện pháp để tháo gỡ. Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Hải quan đã có những giải đáp rất thiết thực đối với những ý kiến của đại diện các doanh nghiệp tại Diễn đàn.

Diễn đàn dự kiến sẽ được tiếp tục tổ chức thường niên nhằm tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong lĩnh vực logistics trong thời gian tới.

 
Theo: Cục Xuất nhập khẩu

Thay vì trông chờ sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp logistics chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp với năng lực để tự cứu mình.

100 tỉ đồng là số vốn Công ty cổ phần tập đoàn Intimex dự kiến đầu tư xây dựng hệ thống kho ngoại quan. Đây là một trong những giải pháp có thể giúp nhà xuất khẩu có doanh số hằng năm trên 1 tỉ USD cắt giảm chi phí liên quan đến hoạt động logistics.

Câu chuyện của Intimex phần nào cho thấy thuê ngoài dịch vụ logistics chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics của Việt Nam khá thấp, dao động trong khoảng 25-30%, trong khi Trung Quốc khoảng 63%, còn Nhật, châu Âu và Mỹ thì trên 40%, theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

 

Nhiều chủ hàng chấp nhận thuê các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài với mức phí cao hơn
Nhiều chủ hàng chấp nhận thuê các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài với mức phí cao hơn.

Cũng theo ông Quang, 25 doanh nghiệp đa quốc gia hiện đã chiếm 70-80% thị trường logistics. Còn khoảng 1.200 doanh nghiệp nội địa chia nhau phần “xương xẩu” còn lại. Đó là “những gì nước ngoài không muốn làm thì mới đến lượt doanh nghiệp trong nước”, theo một doanh nhân (không muốn nêu tên). Khi nhà máy Canon ở Quế Võ, Bắc Ninh chào dịch vụ logistics trọn gói vận chuyển phân phối sản phẩm thì có 4 đơn vị tham gia đấu thầu. Người thắng cuộc là doanh nghiệp chào giá dưới giá thành ở công đoạn chuyên chở bằng xe tải nặng nhưng lấy giá vận tải biển để bù lại. Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Intimex, nhận định các doanh nghiệp không có tàu biển chắc chắn phải chịu thua “độc chiêu” này. Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, cho biết Bộ đang xây dựng đề án thành lập đội tàu Việt Nam.

Ngoài lĩnh vực vận tải quốc tế, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng không khai thác được dịch vụ vận tải thủy nội địa vốn được Nhà nước dành ưu ái cho “gà nhà”. Nguyên nhân là nhiều chủ tàu nội địa chỉ xuất bến khi đã chất đầy hàng, trong khi các hãng tàu nước ngoài luôn chạy đúng giờ, đúng tuyến dù chưa đủ hàng. “Không thể bảo vệ lợi ích các nhà vận tải trong nước mà hy sinh lợi ích của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Công lý giải về quyết định tạm thời mở cửa tuyến vận tải thủy nội địa, cho dù các doanh nghiệp vận tải trong nước không đồng tình.

Với lượng vốn điều lệ dao động trong khoảng 4 - 6 tỉ đồng, doanh nghiệp trong nước không còn nhiều lựa chọn. Phần lớn trong số họ đều làm đại lý, thầu phụ cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Cũng không loại trừ tình trạng doanh nghiệp dắt tay nhau xuống đáy bằng cách cạnh tranh hạ giá dịch vụ. Việc chào giá thấp không đảm bảo các nhà cung cấp tìm được các chủ hàng tầm cỡ. Tình trạng mất cắp hàng khá tinh vi trong quá trình vận chuyển container đã khiến nhiều chủ hàng không dám mạo hiểm, chấp nhận thuê các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài với mức phí cao hơn. Tuy nhiên, thuê hãng vận tải nước ngoài cũng tiềm ẩn rủi ro. Các loại phí đột xuất phát sinh là vị đắng mà không ít chủ hàng từng nếm trải. “Chủ tàu tăng 5 - 10 USD/tấn xem như chúng tôi hết lời”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết.

Thiếu độ tin cậy xuyên suốt trong chuỗi cung ứng kết nối Việt Nam với phần còn lại của thế giới cũng chính là một nội dung quan trọng trong báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 4.2013. Nguyên nhân gồm kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ, chi phí “bôi trơn” trong quá trình vận chuyển, hoạt động logistics chưa được quản lý vào một đầu mối thống nhất. Chẳng hạn, Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức, còn Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về logistics. Và việc đăng ký kinh doanh logistics do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép. Do vậy, ý tưởng thành lập một ủy ban quốc gia đặc trách logistics đã được nêu lên tại Diễn đàn logistics Việt Nam lần thứ nhất (VLF1) tổ chức tại TP. HCM trung tuần tháng 11 vừa qua.

Bên cạnh những bất cập từ hạ tầng cứng, tiến độ cải cách “hạ tầng mềm”, đặc biệt là thủ tục hải quan, là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen, cho biết hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp này nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ hải quan Bình Dương, kể cả trong những dịp lễ, tết.

Tuy nhiên, trường hợp Hoa Sen có vẻ như không đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng ách tắc trong khâu kiểm hóa, mở tờ khai, cách tính thuế... khiến hàng hóa dồn ứ tại cảng, phát sinh nhiều chi phí phi kinh tế. “Hàng trăm ngàn container hàng đông lạnh nằm ở cảng, điện cũng không còn chỗ mà cắm”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu bức xúc.

Theo Cục Hàng hải, tỉ trọng chi phí logistics/GDP của Việt Nam đạt khoảng 25%, cao hơn nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Vì thế việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa những hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nhằm cắt giảm chi phí chính là góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thay vì trông chờ sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp có thể chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp với năng lực để tự cứu mình.

Ông Hà Nam, Intimex, nêu một nghịch lý: “Xe vận chuyển hàng nông sản từ Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long xuống cảng chỉ chạy một chiều khiến chi phí tăng lên rất cao. Chiều ngược lại là những đoàn xe chở phân bón từ cảng lên”. Theo ông, việc thành lập một trung tâm cung cấp thông tin về nhu cầu vận tải hàng hóa của doanh nghiệp, loại bỏ được tình trạng xe chạy một chiều không phải là quá khó. Thành lập các liên minh chiến lược giữa các doanh nghiệp nội địa cũng là giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng. Sự hợp tác giữa tập đoàn Samsung và hãng hàng không Korea Air là một trường hợp điển hình, ông Quang, VLA, cho biết.

Việt Nam sẽ mở cửa thị trường logistics từ năm 2014 theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, vẫn còn những điều khoản hạn chế tỉ lệ góp vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Về 3 mảng dịch vụ vận tải thủy nội địa, đường sắt và đường bộ, ông Hải nói: “Kể từ khi gia nhập WTO, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ thông qua liên doanh với các đối tác Việt Nam trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 49% tổng vốn pháp định”. Nhiều mảng dịch vụ khác, doanh nghiệp nước ngoài cũng cần thêm từ 4 đến 7 năm để có thể sở hữu 100% vốn. Liệu chừng ấy thời gian có đủ cho doanh nghiệp logistics Việt Nam kịp lớn mạnh.

Theo Nhipcaudautu

Với tốc độ phát triển từ 15 - 25%/năm, dịch vụ Logistics đang được coi là ngành kinh doanh hấp dẫn nhất hiện nay. Sức hấp dẫn của việc kinh doanh dịch vụ Logistics vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý bởi còn đó nhiều rào cản khiến loại hình dịch vụ này chưa phát triển như mong muốn.

“Hụt hơi” trên sân nhà

Năm 2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 53/155 quốc gia về chỉ số thực hiện logistics, đứng đầu nhóm quốc gia thu nhập thấp và ở mức trung bình trên thế giới. Thống kê cho thấy, hiện nay dịch vụ Logistics của Việt Nam chiếm khoảng 15 - 20% GDP trong khi ở các nước phát triển là 8 - 10%.

Con số quá hấp dẫn này không chỉ kích thích các doanh nghiệp trong nước đua nhau làm Logistics mà còn khiến các tập đoàn hàng hải lớn trên thế giới như APL, Mitsui OSK, Maerk Logistics, NYK Logistics..., những tập đoàn hùng mạnh với khả năng cạnh tranh lớn, bề dày kinh nghiệm và nguồn tài chính khổng lồ với hệ thống mạng lưới đại lý dày đặc, hệ thống kho hàng chuyên dụng, dịch vụ khép kín trên toàn thế giới, mạng lưới thông tin rộng khắp, trình độ tổ chức quản lý cao, tìm mọi cách xâm nhập, củng cố, chiếm lĩnh thị trường Logistics của ta. Con số mới nhất mà Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (Viffas) đưa ra đã cho thấy sự yếu thế của các doanh nghiệp “nội”.

Cụ thể, theo Viffas, trong khoảng 1000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành giao nhận kho vận, logistics, thực chất chỉ có khoảng gần 10% doanh nghiệp thực sự cung cấp các dịch vụ Logistics. Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài (liên doanh, 100% vốn nước ngoài) đã giành được khoảng 70% thị trường nhờ tính chuyên nghiệp trong kinh doanh, mạng lưới rộng khắp và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đáp ứng những dịch vụ đơn giản, với trình độ công nghệ hạn chế, thậm chí chỉ là “làm thuê” cho các công ty nước ngoài. Đại diện Viffas cũng thừa nhận rằng hoạt động dịch vụ của các doanh nghiệp giao nhận, kho vận, Logistics Việt Nam còn manh mún, nhiều trung gian, đại lý, cạnh tranh về giá là chủ yếu, thiếu đầu tư công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ... nên chưa tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng và khó được khách hàng tin tưởng.

Cần “đòn bẩy” để phát triển

Sự cạnh tranh khốc liệt trong kkinh doanh dịch vụ Logistics, sự có mặt của các “ông lớn” như Mitsui OSK, Maerk Logistics, APL tại Việt Nam đã chứng minh sức hấp dẫn và hiệu quả của việc kinh doanh Logistics ở nước ta.
 
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, ngành kinh doanh được coi là “hốt bạc” này ở vẫn chưa thực sự được tạo điều kiện để phát triển. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, quy mô nhỏ, rời rạc... là một trong những rào cản lớn nhất .

Trên thực tế, sự thiếu đồng bộ của các phương thức vận chuyển (thường được gọi là hành lang đa phương thức) đang tạo ra sự tắc nghẽn dòng dịch chuyển Logistics, làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành Logistics toàn diện trên phạm vi cả nước.

Thực tế cho thấy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trọng điểm của Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics chưa có hệ thống kho tàng bến bãi hoặc nếu có thì cũng rất thô sơ, không đồng bộ và thiếu các thiết bị bốc xếp chuyên dụng. Các cảng biển của ta dù đang được container hóa nhưng vẫn chỉ tiếp nhận tàu feeder, tàu cỡ nhỏ.

Trang thiết bị để xếp dỡ container của các cảng trong nước thì thua quá xa các cảng trong khu vực. Xa hơn nữa, các trục đường bộ của ta không được thiết kế đúng theo tiêu chuẩn để có thể kết hợp tốt các phương thức vận tải bằng đường biển, đường sông, đường bộ và đường hàng không.

Về đường sắt, hệ thống đường sắt quá lạc hậu của chúng ta gần như không thể hỗ trợ được gì cho chu trình vận tải khép kín của Logistics. Đường hàng không cũng không có gì cải thiện hơn: năng lực vận chuyển thấp, mùa cao điểm không đủ máy bay và đáng nói hơn cả là sân bay chưa có nhà ga hàng hóa và khu vực riêng cho hoạt động Logistics.

Logistics, nếu chỉ có sức hấp dẫn tự thân thôi, chưa đủ. Để loại hình kinh doanh dịch vụ tiềm năng này có điều kiện phát triển, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng.

InfoTV
(Theo báo GTVT)

Page 2 of 2

Liên hệ

02213 997 752

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. Email

Skype

Maps

Công ty Cổ phần Kho vận Vietfracht Hưng Yên
Địa chỉ: Km24, Quốc lộ 5A, Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên
VP đại diện: số 74 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 0221 3997752 
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 02213 997752  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. Email Skype Maps